Bō shuriken Phi_tiêu

Bốn cây bō shuriken cổ của Nhật

Bō-shuriken là một loại ám khí có phần thân thẳng làm bằng sắt hoặc thép, thường có bốn khía nhưng thỉnh thoảng có hình tròn hoặc chia ra tám cạnh. Một số mẫu có mũi nhọn trên cả hai đầu. Chiều dài từ 12 đến 21 cm và trọng lượng trung bình từ 35 đến 150 gram. Không nên nhầm lẫn với kunai - một công cụ dùng để đâm.

Bō-shuriken được tạo ra từ rất nhiều đồ dùng hằng ngày, do đó chúng có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Một số loại có tên bắt nguồn từ chính vật liệu hoặc thứ cấu tạo nên nó, ví dụ kugi-gata (hình móng tay), hari-gata (hình kim châm) và tantō-gata (hình con dao); một số loại được đặt tên theo những vật có hình dạng giống nó, ví dụ hoko-gata (hình ngọn giáo), matsuba-gata (hình lá thông); một số khác thì có tên gọi để mô tả khái quát các vật dụng dùng để ném như kankyuto (hình vật nhọn), kunai-gata (hình kunai), hay teppan (hình tấm kim loại) và biao (đinh).

Có nhiều cách để ném Bō-shuriken: ném bổng, ném xà, ném xiên, ném ngược về sau,... nhưng dù ném cách nào thì cũng phải yêu cầu phi tiêu trượt khỏi bàn tay, đi qua các ngón tay sao cho đường bay phải thật chính xác và trôi chảy. Phương pháp ném chủ yếu là jiki da-ho (ném trúng trực tiếp) và han-ten da-ho (ném chuyển đường bay). Hai phương pháp này khác biệt nhau về mặt kĩ thuật, phương pháp đầu không làm cho phi tiêu xoay trước khi trúng mục tiêu trong khi phương pháp sau đòi hỏi phi tiêu phải xoay.

Một số đồ vật như kẹp tóc, kogata (dao đa dụng) và đũa ăn được ném tương tự như bō-shuriken mặc dù chúng không liên quan đến bất kì kĩ thuật ném phi tiêu nào

Nguồn gốc về bō-shuriken ở Nhật Bản vẫn còn đang mập mờ mặc dù chúng vẫn đang còn được nghiên cứu. Một phần do shurikenjutsu là một bí thuật và xuyên suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản đã có rất nhiều kĩ thuật ném các vật dài, mỏng khác nhau. Tài liệu tham khảo về trường học dạy shurikenjutsu được biết đến sớm nhất là Ganritsu Ryu, hoạt động trong suốt thể kỷ XVII. Ngôi trường này sử dụng những vật mỏng, dài có phần đầu phình ra, được cho là cải tiến từ mũi tên. Các mẫu phi tiêu còn sót lại từng được ngôi trường này sử dụng có vẻ như là được kết hợp giữa hình dạng của một mũi tên với một loại kim thường được sử dụng trong việc sản xuất áo giáp và đồ da ở Nhật.

Có những đề cập trước đó trong các văn bản ghi chép như Osaka Gunki (大阪軍記, Đại Bản Quân Ký, hồ sơ quân sự của Osaka) nói về việc ném dao hay đoản kiếm trong chiến đấu.